Với khoảng 30.000 DN cơ khí đang hoạt động, năm 2022, tăng trưởng sản xuất của ngành cơ khí Việt Nam đạt 16,5% so với năm 2021; doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 1,2 triệu lao động. Trong những năm qua, ngành cơ khí Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định; một số DN cơ khí có quy mô lớn và có sức cạnh tranh, tập trung thế mạnh ở 3 phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ôtô và phụ tùng ôtô… Tại các địa phương cũng đã hình thành một số cụm, ngành cơ khí.

Kết nối cung - cầu mở rộng thị trường cho ngành cơ khí

Hoạt động sản xuất tại Hưng Yên của Công ty TNHH Dụng cụ An Mi. Ảnh: HƯƠNG DỊU

 

Điển hình, cơ khí chế tạo trong nước đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết chủng loại xe ô tô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85-95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó phải kể đến một số DN điển hình trong lĩnh vực ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco. Một số lĩnh vực ghi nhận có sự chuyển biến, đột phá như: Chế tạo thiết bị thủy công (cung cấp cho các công trình nhà máy thủy điện), chế tạo giàn khoan dầu khí, thiết bị điện, chế tạo và cung cấp thiết bị cho các nhà máy xi măng, đóng tàu các loại…

Với những kết quả trên, theo số liệu của Bộ Công Thương, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng hiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (chỉ sau điện thoại và máy vi tính). Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam đạt gần 45,8 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 12,32% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Về kết quả của ngành cơ khí trong những tháng đầu năm 2023, bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) thông tin, năm nay, thị trường sản phẩm cơ khí suy giảm khoảng 20% đơn hàng, có DN đơn hàng suy giảm nặng hơn từ 30% đến 40%. Tuy nhiên, lĩnh vực cơ khí cũng có thêm nhiều khách hàng mới do sự dịch chuyển về sản xuất; năng lực của DN trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với đó, trong nhiều công đoạn sản xuất, DN Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh với các DN Trung Quốc, Ấn Độ.

Cần nhiều hơn vai trò kết nối-dẫn dắt

Dù có nhiều kết quả đáng ghi nhận, song nhìn vào thực tế của ngành cơ khí cho thấy, ngành còn thiếu nhiều sản phẩm có thương hiệu, thiếu DN cơ khí lớn mang tầm quốc tế; thị phần xuất khẩu mặt hàng này vẫn chủ yếu thuộc về khối DN FDI. Cụ thể, trị giá xuất khẩu máy móc thiết bị của khối DN FDI đạt 42,55 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 93% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng của cả nước (cao hơn so với mức tỷ trọng 92,75% của năm 2021).

Nêu ra những hạn chế của ngành cơ khí Việt Nam, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam cho biết, công nghiệp cơ khí trong nước chưa có mặt hàng truyền thống, trong khi các DN vẫn ngại thay đổi quy mô sản xuất. Sản phẩm cạnh tranh chủ yếu bằng giá nhân công, nguyên liệu vật tư lại phụ thuộc vào nước ngoài. Ngoài ra, những hạn chế về luật thương mại quốc tế của DN cơ khí đã khiến các khách hàng nước ngoài chưa hài lòng…

Ở góc độ DN, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị điện MBT (Hà Nội)-đơn vị sản xuất máy biến áp, cho biết: Khó khăn chính trong hoạt động của DN là việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu, linh kiện; nguyên nhân là do chất lượng các sản phẩm trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu hoặc chưa có thông tin kết nối. “Nguyên vật liệu nhập khẩu không chỉ làm giảm lợi nhuận của DN mà nhiều khi phải chờ nguyên liệu 2-3 tháng mới về. Điều này làm ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất, giao hàng của DN”, ông Trần Văn Nam thông tin.

Đưa ra các giải pháp chính sách phát triển ngành cơ khí, nhiều ý kiến đề xuất, cần tạo dựng thị trường cho DN cơ khí phát triển, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” tạo điều kiện chính sách cho DN về tài chính, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Từ thực tế địa phương, ông Đinh Hồng Quân, Phó chủ tịch Thường trực Hội các DN cơ khí tỉnh Bắc Giang cho biết, ngành cơ khí Bắc Giang đã chế tạo được thiết bị tiên tiến sử dụng trong lĩnh vực thủy điện, điện gió, lò đốt rác… nhưng hầu hết DN có quy mô nhỏ, thiếu người định hướng, dẫn dắt, kết nối tạo sân chơi. Do vậy, đề nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện cho DN tham gia các chương trình xúc tiến thương mại; cùng với đó, đề nghị cần có chính sách yêu cầu các DN FDI nội địa hóa theo tỷ lệ % nhất định. Có cùng đề xuất, bà Trương Thị Chí Bình cho biết, vì sản phẩm cơ khí rất đa dạng nên tham tán thương mại Việt Nam ở các nước cần đẩy mạnh thông tin về thị trường, khách hàng. Đây cũng là cơ hội để DN cơ khí trong nước nỗ lực hơn nữa.

Để tăng thêm cơ hội cho các DN cơ khí tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhìn nhận từ thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết: Hiện Nhật Bản đang thực hiện chính sách mới nhằm tránh phụ thuộc nguồn cung vào một quốc gia và mở rộng sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Do đó, DN cơ khí trong nước cần đầu tư thêm chi phí cho mảng nghiên cứu, phát triển sản phẩm nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, tăng năng lực sản xuất để có thể gia công sản phẩm có giá trị cao và bình đẳng hơn với DN Nhật Bản, qua đó tăng thêm cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguồn: qdnd.vn